Trung Quốc: Hiện Đại Hóa Hải Quân Để Tự Phòng Vệ

QNCBĐ: Nhân sự kiện Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung ở vùng biển Hoàng Hải, Trung Quốc đã có phản ứng bằng một số bài báo gây tổn hại đến bầu không khí hòa bình trên các vùng biển ở vùng Đông Á, đặc biệt là vùng Biển Đông (hay còn được gọi Biển Nam Trung Hoa, The South China Sea). Sự phản ứng của Trung Quốc bằng việc củng cố và hiện đại hóa hải quân càng tỏ rõ thêm ý đồ biến Biển Đông thành ao nhà và không muốn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng luật pháp quốc tế và tôn trọng các nước khác cùng chung Biển Đông. Trong khi Trung Quốc lớn tiếng cho rằng các nước khác diễn dịch sai Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) thì chính bản thân Trung Quốc lại tự mình mâu thuẫn và mang tính hai mặt trong việc diễn dịch và áp dụng UNCLOS trong việc giải quyết tranh chấp trên biển đảo với Nhật Bản và các nước khác. Hải quân Trung Quốc lớn mạnh có thể đe dọa an ninh và hòa bình trong khu vực. Chúng ta nên nhớ rằng trong lịch sử hễ khi nào quân đội Trung Quốc hùng mạnh thì trong khu vực lại có chiến tranh. Chúng ta cũng cần phải luôn luôn đề phòng chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác”, một chủ trương “coi vườn hàng xóm là vườn nhà mình, gác lại tranh chấp và cùng khai thác vườn hàng xóm”.

oOo

Hiện Đại Hóa Hải Quân Để Tự Phòng Vệ
Gong Jianhua (Gōng Jiàn Huá, Cung Kiến Hoa)

Bắc Kinh, 13/7 (China Daily – Trung Quốc Nhật Báo) – Các báo cáo trên phương tiện truyền thông nước ngoài rằng Bắc Kinh coi Biển Nam Trung Hoa (the South China Sea, tức Biển Đông Việt Nam) là một phần trong những lợi ích cốt lõi của mình đã tạo ra mối lo ngại trong một số nước.

Điều này xảy ra bởi vì người ta vô cùng hiểu lầm những hành động của Trung Quốc. Trung Quốc là một nước lớn có nhiều nguồn tài nguyên khổng lồ mà chưa có đủ sức mạnh để bảo vệ các nguồn tài nguyên của mình.

Trung Quốc đang củng cố chiến lược hải dương và hải quân của mình để bảo vệ nguồn lợi cốt lõi mà không hề tạo ra mối đe dọa cho bất kỳ nước nào cả. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không bao giờ xâm phạm quyền hải dương của bất kỳ nước nào. Ngược lại, các nước khác đã tái xâm phạm đến quyền hải dương và các lợi ích của Trung Quốc.

Lịch sử chứng minh rằng không có nước nào có thể trở thành một cường quốc mà không có lực lượng hải quân hùng mạnh. Và không có nước nào trong thời đại hiện đại đối mặt với nhiều mối đe dọa to lớn hơn như là Trung Quốc. Cho nên việc Trung Quốc phát triển và hiện đại hóa hải quân hoàn toàn lô gíc.

Các vấn đề liên quan đến biển của Trung Quốc bao gồm ba điểm. Thứ nhất, Trung Quốc có các vấn đề rất phức tạp và khó khăn với các nước láng giềng cùng chung biển. Các tranh chấp tồn tại lâu dài về quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc trong Hoàng Hải, Biển Đông Trung Hoa, Eo Biển Đài Loan, và Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông Việt Nam) đôi khi lại nổi cộm lên.

Các tranh chấp này gồm cả việc kiểm soát chủ quyền các hải đảo tới phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế. Ví dụ tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa liên quan đến các tuyên bố xung đột của nhiều nước trong vùng và sự can thiệp của các lực lượng ngoài vùng.

Thứ hai, Trung Quốc có một số điểm yếu nội lực cố hữu và đối mặt với những mối đe dọa bên ngoài tới nguồn lợi hải dương. Trong nước, Trung Quốc phải xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh, và chiến lược hải dương bị chậm trễ đằng sau các chiến lược kinh tế và chính trị. Bên ngoài, Trung Quốc đã bị mất đi nhiều nguồn tài nguyên có giá trị khi các lực lược khác chiếm các hải đảo và khai thác các vùng nước của Trung Quốc. Trung Quốc cũng phải đối mặt với các tuyến đường hàng hải.

Bằng cách diễn dịch sai lệch Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển (UNCLOS) và dựa trên những hành động gọi là các nguyên lý có tên “vùng tiếp giáp, vùng có thời hiệu và an ninh” một số nước đã xâm phạm quyền trên các hải đảo, rạn đá và lãnh hải của Trung Quốc.

Thứ ba, các tranh chấp này đang làm giảm nghiêm trọng các nguồn tài nguyên chiến lược của Trung Quốc. Ví dụ không thể giải quyết được các tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa cho lợi ích chung nhau của tất cả bởi vì những sự khác biệt lớn về lập trường chính trị, sự thành thật và âm mưu của các nước khác. Trung Quốc phải dùng phần lớn các nguồn kinh tế và ngoại giao nhằm nỗ lực giải quyết các vấn đề như vậy đối với từng nước có quyền lợi trong vùng.

Biển đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước. Và tầm quan trọng của biển đã nhân lên gấp bội trogn thời đại toàn cầu hóa. Nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên hải dương các vùng nước và an ninh quốc gia một nước phải bảo vệ quyền lợi trên biển của mình.

Các tranh chấp về quyền lợi trên Biển Đông Trung Hoa, Eo Biển Đài Loan, và Biển Nam Trung Hoa là những tồn tại của lịch sử các cuộc xâm lược Trung Quốc của các nước thực dân. Nhưng các tuyên bố chủ trương của Trung Quốc hoàn toàn dựa trên những dữ kiện lịch sử. Chủ quyền lãnh thổ, các nguồn tài nguyên chiến lược và các tuyến đường giao thương bao gồm các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, và như bất kỳ một nước nào khác, Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp những lợi ích này.

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng và sức mạnh quốc gia gia tăng đã cho Trung Quốc một cơ hội làm rõ với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc không bao giờ thỏa hiệp các lợi ích cốt lõi của mình.

Bằng cách đưa thêm Biển Nam Trung Hoa vào các lợi ích cốt lõi, Trung Quốc đã chứng minh quyết định của mình để bảo vệ nguồn tài nguyên hải dương và các vùng nước chiến lược. Chiến lược Biển Nam Trung Hoa do đó phải được xem như là một biện pháp thay thế cho sự bỏ qua sức mạnh hải dương trong quá khứ mà không phải sách lược bành trướng hung hăng.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc luôn luôn theo phương pháp “mềm dẻo, lịch thiệp” và đã thực thi chủ thuyết “gác tranh chấp cùng khai thác” trên biển với các nước láng giềng. Chiến lược phát triển hải quân mới của Trung Quốc là một sự tiếp tục phương pháp này và đặt mục tiêu đặc biệt vào việc “phòng vệ xa bờ”.

Trong khi bảo vệ những lợi ích cốt lõi của mình Trung Quốc vẫn tiếp tiếp nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiết với các nước láng giềng, tăng cường hợp tác trong vùng và tìm kiếm cơ hội phát triển chung. Trung Quốc không có ý định gây ra đe dọa cho bất kỳ nước nào khác. Nhưng Trung Quốc phải thay đổi chiến lược hải dương lỗi thời phù hợp với thời đại đang không ngừng biến đổi.

Khởi đầu chiến lược của mình không thể để cho các nước khác hiểu nhầm, như là các nước phương tây đang hiểu nhầm. Phương Tây, đằng sau cặp kính hư hỏng, đang nhìn sự hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc như là chủ nghĩ bành trướng quân sự với thái độ gân hấn chiến tranh tiềm ẩn.

Những gì mà các nhà chính trị và phương đại chúng phương tây không hiều là nhu cầu bảo vệ an ninh đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội hùng cường của Trung Quốc. Đó là vấn đế của sự khác nhau về hình ảnh của con rồng, phương tây thì cho đó là biểu tượng của “ác quỷ” còn Trung Quốc thì có ý nghĩa là “may mắn”.

Để bảo vệ các lợi ích cốt lõi Trung Quốc phải gia tăng trao đổi lẫn nhau với các nước có chung lợi ích trong vùng, và tích cực công khai hóa cam kết trong việc xây dựng một “thế giới đại đồng”. Trung Quốc cũng phải làm rõ lập trường của mình và xóa bỏ những tuyên bố mập mờ, trao đổi bàn tròn với các nước khác và tăng cường tin cậy lẫn nhau về chính trị, kinh tế và quân sự nhằm giúp cho các nước hiểu rằng Trung Quốc hiện đại hóa hải quân nhằm mục đích tự phòng vệ và cam kết đi trên con đường hòa bình bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình.

Tác giả là phó giáo sư Khoa Chính trị và Hành chính, Đại học Hải dương Quảng Đông.

Người dịch: Nguyễn Đức Hùng

Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông

Nguồn: Modernizing navy for self-defense

http://www.chinadaily.com.cn/cndy/2010-07/13/content_10097187.htm

Bình luận về bài viết này